Thursday, March 10, 2011

Hoa Sữa trong thơ ca Việt Nam


Hoa sữa (Nguyễn Phan Hách)

Tuổi mười lăm em lớn từng ngày,
Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ.
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ ,
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ.

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu,
Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc.
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt,
Vậy mà tan trong sương gió mong manh.

Tại mùa thu, tại em hay tại anh ?
Tại sang đông không còn hoa sữa ?
Tại siêu hình tại gì không biêt nữa ?
Tại con bướm vàng có cánh nó bay ?

Ðau khổ nhiều nhưng éo le thay.
Không phải thời Romeo và Juliette,
Nên chẳng có đứa nào dám chết,
Ðành lòng thôi mỗi đứa một phương.

Chỉ mùa thu còn trọn vẹn yêu thương,
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ,
Hương của tình yêu đầu nhắc nhở ,
Có hai người xưa đã yêu nhau...





Tình yêu mùa hoa sữa

Anh quen em đúng vào mùa hoa sữa
Không phải tình đầu nhưng vẫn trắng trong
Bởi với anh bây giờ em là duy nhất
Người trước yêu anh đã bỏ theo chồng
Đúng lúc sang đông khi không còn hoa sữa
Cho lòng anh vắng lặng đợi thu về
Hoa sữa đầu mùa anh sẽ hái tặng em
Để gửi chọn tình yêu và nỗi nhớ
Để cuộc đời ta mãi có nhau
Để dẫu sang đông khi không còn hoa sữa
Vẫn nồng nàn hương vị của tình yêu
Cho quả sữa sẽ bay về muôn ngả
Hứa hẹn một mùa hoa sữa những năm sau.




Hoa sữa mưa

Mùa thu còn non trong vòm sấu
Làm sao em mong hoa sữa mưa?
Con đường về ngược dốc
Viên đá lăn mảnh đời thừa.

Mùa thu còn nhỏ trong mùa mắt
Làm sao em mong nắng thay màu
Những ngày đi mà không đến
Cuối đường có còn thương nhau?

Mùa thu còn ươm trong lòng phố
Một chút sen hồng bên cốm xanh
Làm sao em mong đời bất tận
Khi tình là đóa mong manh?

Mùa thu còn giữ trong vườn nắng
Một chút tình thơ chẳng có mùa
Em bình yên ngày hong tóc
Bao giờ thì hoa sữa mưa?




Chùm thơ Lâm Ngọc Quỳnh Anh

Thơ viết cho mùa hoa sữa

Đừng lang thang trên những con đường vắng
Đừng theo trăng quên cả lối về
Đừng thơ thẩn đi tìm hương hoa sữa
Đêm cuối mùa lạ lẫm những đam mê

Kỷ niệm mãi nhuốm màu bằng lăng tím
Người đã qua bao năm rộng tháng dài
Hoa sữa theo mùa thu phiêu lãng
Trăng bao lần nghiêng đậu xuống lòng ta

Hoa sữa tắt tình yêu về trong mộng
Ôi tình yêu chỉ thức lúc trăng tròn
Người có gì khi mùa hoa sữa hết
Trăng cau mày lạc lõng một tiếng em


Nếu một mai ai rời ký túc

Nếu một mai ai rời ký túc
Có nhớ chăng một góc giường tầng
Nơi đầu giường hòm tôn làm bàn học
Cửa sổ còn in dấu một vầng trăng

Giấy dán tường vẫn nguyên câu thơ cũ
Một mùa thu bỡ ngỡ nhập trường
Những buổi tối một mình lên thư viện
Hoa sữa theo cùng trang vở ngọt mùi hương

Và có những mùa đông se sắt gió
Ngủ chẳng yên, bài tập lớn gối đầu
Vừa ôn thi, vừa mơ về ngày Tết
Rồi ngày về chắc lại nhớ nhau

Ai có nhớ tháng ba mùa mưa bụi
Những sớm mai ký túc xá sương mờ
Vậy mà thoắt đã tới mùa hạ đỏ
Nắng cháy bừng như từ những cách chia

Nếu ngày mai ai rời ký túc
Ký túc từ mai vắng bóng một người
Ai có biết rằng có một người ở lại
Vẫn nhớ hoài một bóng người đi

Nguồn: Internet

Friday, October 1, 2010

Giới thiệu về cây Hoa Sữa

Cây hoa sữa, hay còn gọi là mò cua, mù cua (tên khoa học: Alstonia scholaris; đồng nghĩa: Echites scholaris) là một loài thực vật nhiệt đới thường xanh thuộc Chi Alstonia, họ La bố ma (Apocynaceae).

Phân bố

Cây hoa sữa có nguồn gốc từ các khu vực:
Trung Quốc: Quảng Tây (tây nam), Vân Nam (nam)
Tiểu lục địa Ấn Độ: Ấn Độ; Nepal; Sri Lanka
Đông Nam Á: Campuchia; Myanma; Thái Lan; Việt Nam; Indonesia; Malaysia; Papua New Guinea (Quần đảo Solomon); Philippines
Australia: Queensland
Cây cũng được trồng tại một số khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Mô tả

Cây hoa sữa là một cây thường xanh có thể đạt chiều cao lên đến 40 m. Vỏ cây màu xám gần như không có mùi, có vị rất đắng và khi cho vào miệng thì có cảm giác sàn sạn. Vỏ cây có nhựa dính màu trắng sữa, cũng có vị đắng.
Cây hoa sữa là cây lá rộng. 5 đến 7 lá tạo thành 1 vòng xoắn quanh nhánh cây (hiếm gặp hơn là 4-10 lá tạo thành 1 vòng). Các lá đơn có chiều dài từ 9 đến 20 cm và chiều rộng từ 2 đến 5 cm. Mặt trên của lá thường bóng, mặt dưới xám, trong khi viền lá thì trơn tru. Cuống lá dài từ 0,5 đến 3 cm.
Cuống hoa dài khoảng 2 đến 5 mm. Các hoa lưỡng tính không lộ ra và nhỏ. 5 Lá Đài dài 2 mm. 5 cánh hoa màu vàng chanh hợp thành một ống dài khoảng 6 mm. So với các loài khác trong Chi thì không có đế hoa hình đĩa. Nó chỉ là một vòng tròn với 5 nhị hoa. Mùa hoa chủ yếu giữa tháng 6 và tháng 11.
Quả đại mọc theo cặp, hơi lượn sóng hoặc cong, dài từ 30 tới 60 cm, rộng từ 2 đến 5 mm và chứa nhiều hạt hình chữ nhật. Hạt có lông ngắn và nhỏ, đầu cuối có túm lông dài 1,5-2 cm. Các quả chín từ tháng 12 đến tháng 5.


Sử dụng


Tại Sri Lanka, gỗ cây hoa sữa được sử dụng làm quan tài, trong khi trước đây ở Đông Nam Á loại gỗ này được dùng để làm giấy da. Gỗ cây hoa sữa cũng đã được dùng để làm bảng viết cho học sinh, vì vậy có tên gọi là “scholaris”.
Vỏ cây được sử dụng chủ yếu trong y học. Nó được coi là một loại thuốc bổ và hạ sốt. Nó được sử dụng trong y học Ayurvedic (Ấn Độ) cũng như đối với sốt, sốt rét, bệnh phong, bệnh ngoài da, ngứa, khối u, ung loét mãn tính, hen suyễn, viêm phế quản, suy nhược cơ thể và đặc biệt đối với các triệu chứng về đường ruột, dạ dày như tiêu chảy, kiết lỵ hoặc khó tiêu.
Lá cây sắc lên được sử dụng chống lại bệnh tê phù.
Hạt có tác dụng kích thích tình dục và tinh thần: Nghiền khoảng 2 gam hạt, sau đó ngâm trong nước để qua đêm. Uống nước sau khi đã được lọc.
Ta có thể tìm thấy trong các chợ châu Á vỏ cây dưới dạng miếng dày 1,5 cm, rộng 3-5 cm và dài 7-12 cm. Chúng có màu nâu hồng bên ngoài, bên trong thì sáng hơn với các hình sọc hoặc hình hạt màu vàng nhạt. Vỏ cây cũng được sử dụng để nhuộm quần áo từ len, sợi bông ra các gam màu vàng khác nhau.

Thành phần


Vỏ cây có chứa một số ancaloit khác nhau, ví dụ Ditamine, Echitenine và Echitamine.Các ancaloit đã được sử dụng thay thế cho quinine, chất có tác dụng hạ sốt. Những chất này đã được phát hiện khoảng năm 1880. Ditamine (C16H19O2) lần đầu tiên được lấy từ vỏ cây bởi Jobst và Hesse vào năm 1875, đó là một loại bột màu trắng, có vị hơi đắng. Tuy nhiên nó chỉ được lấy ra được từ 0,02% vỏ cây đã được xử lý, và vì vậy mà chưa bao giờ được dùng làm thuốc hạ sốt. Echitamine lần đầu tiên được lấy ra từ vỏ cây bởi Harnack và Hesse một lần nữa lại là người tìm ra công thức, đó là C22H28N2O4. Hesse cũng đã phát hiện ra chất Echitenine màu nâu, vô định hình (C20H27NO4). Bên cạnh những ancaloit này, các chất khác cũng được lấy ra từ vỏ cây, trong đó có các axit béo, axit kết tinh và các chất dạng nhựa mỡ khác giống với nhựa của các loại cây khác.

Đặt tên gọi

Tên Chi: Alstonia
Tên Loài: Scholaris
Tên Chi „Alstonia“ được đặt theo tên của giáo sư thực vật học người Edinburgh Charles Alston (1685-1760). Chi Alstonia bao gồm khoảng 43 loài phổ biến ở tất cả các khu vực nhiệt đới. Rất khó phân biệt Alstonia Scholaris (cây Hoa Sữa) với các loài khác cùng Chi, và vì vậy thường hay bị nhầm lẫn với nhau. Loại cây nổi tiếng nhất trong Chi Alstonia là Alstonia Constricta.
Tên Loài „Scholaris“ có nguồn gốc từ tiếng Latinh, có nghĩa là „Học sinh“ hay „Sinh viên“, bởi vì theo truyền thống gỗ cây này được dùng làm bảng viết. Dân địa phương gọi cây này là cây ma và được xem là nơi cư trú của ma quỷ. Do đó thành viên một số bộ tộc thường tránh ngồi hoặc đi dưới những cây này.
Các tên gọi khác cho cây Hoa sữa: Echites malabarica Lam., Echites scholaris L., Pala scholaris (L.) Roberty.
Một số tên gọi thông thường khác: cây vỏ Quinine Úc, cây Vỏ Đắng, cây Bảng Đen, Chatian (Tiếng Hindi), Chatiun, Chattiyan, Chhatim (Bengali), chhation, Daivappala, Devil tree, Devil’s tree, Dirita, Dita (Tagalot), Dita Bark Tree, Ditta, Elilampala, Elilappalai, Maddale (Kannada, Nam Ấn Độ), Milky pine (Úc) Nandani, Pala (Malayam, Tamil), Palai, Palimara, Pulai, Saittan ka jat, Saptaparna (Tiếng Phạn: „bảy lá“), Saptachadah, Saptaparnah, Saptaparni, Satvin (Tiếng Marathi: „bảy lá“), Schulholzbaum (Tiếng Đức: „Cây gỗ trường học“), Shaitan (Tiếng Ả-rập: „Ma quỷ“), Shaitan wood, Tanitan, Weiss.



Nguồn: dịch từ wikipedia